Nhắc đến phong cách thiết kế Indochine Style, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều có những xúc cảm riêng, những hoài niệm xưa cũ, những cái để “yêu”, để “nhớ”… Và hơn cả, phong cách thiết kế Indochine style ngày nay kiến tạo nên không gian sống rất đỗi trầm tĩnh, gần gũi và thân thương giữa nhịp sống vội vã, hiện đại.
Nếu bạn yêu thích những giá trị văn hóa bản địa, thích thú trước những vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và mong muốn mang Indochine style về ngôi nhà của mình, hãy cùng PTA DESIGN hiểu rõ hơn về phong cách thiết kế Indochine là gì? Đặc trưng của phong cách nội thất này và chiêm ngưỡng những mẫu thiết kế nội thất nhà đẹp dưới đây:

Phong cách Indochine hòa trộn vẻ đẹp văn hóa Phương Đông và phương Tây
Thuật Ngữ Phong cách Thiết kế Indochine Style (phong cách Đông Dương) là gì?
Indochine thoạt nghe có vẻ rất Tây hóa nhưng cái tên này lại gần gũi đến lạ thường. Không chỉ là một phong cách thiết kế nội thất mà Indochine còn nó hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bạn có thể nghe Indochine là một tựa phim rất nổi tiếng được công chiếu lần đầu năm 1992. Hay đâu đó chúng được gắn mác là nhà hàng Indochine, khách sạn Indochine, quán cafe Indochine,… Vậy Indochine là gì? Nguồn gốc của thuật ngữ?
“Indochine” có nguồn gốc từ tiếng Pháp, nó có nghĩa là “Đông Dương”. Đông Dương là một bán đảo nằm ở vùng Đông Nam, châu Á. Bán đảo bao gồm 6 quốc gia là: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và một phần Malaysia. Trong những năm 1887-1954, đây là khu vực nằm dưới quyền cai trị của đế quốc thực dân Pháp tại Đông Nam Á.
Vị trí địa lý của Đông Dương nằm gần nước Ấn Độ (Indo) và nước Trung Quốc (China). Nền văn hóa của các nước bán đảo cũng chịu ảnh hưởng nhiều nước lớn Trung – Ấn. Vì thế, Đông Dương có tên quốc tế là được ghép từ Indo – China (Indochina), tiếng Pháp là Indochine.

Phong cách Indochine là phong cách Đông Dương (bán đảo Đông Dương)
Định nghĩa phong cách thiết kế Indochine là gì?
Phong cách Indochine hay còn gọi là phong cách Đông Dương (Indochine Style). Phong cách Indochine là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Phong cách Indochine là những tinh tuý của vẻ đẹp đến từ phong cách kiến trúc Tân Cổ Điển nước Pháp đồng điệu trong những nét đặc trưng của văn hóa, địa lý tại Việt Nam.
Khởi đầu từ nét kiến trúc – nội thất Pháp cổ, phong cách thiết kế dần được “nhiệt đới hóa” để phù hợp với đặc trưng khí hậu nóng ẩm nước ta. Trên nền chất liệu thuần Việt cũng như màu sắc, họa tiết dân tộc được chế tác công phu, phong cách Indochine mang đến những giải pháp kiến trúc hiện đại được sử dụng và phát triển trong thiết kế nội thất cho đến ngày nay.

Lịch sử hình thành và phát triển phong cách Đông Dương
Phong cách Đông Dương xuất hiện khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc xâm chiếm bán đảo Đông Dương. Vào những năm 1893-1954, phong cách thiết kế này được gọi là phong cách thực dân. Dần dà phong cách Đông Dương phát triển sau những năm 1920 ở Việt Nam.
Phong cách thiết kế Indochine qua 3 giai đoạn thời Pháp thuộc
Trôi theo dòng chảy lịch sử, sự du nhập phong cách nội thất Pháp vào nước ta được chia làm ba giai đoạn. Các giai đoạn mang đặc điểm của phong cách Indochine với những sắc thái khác nhau. Các công trình được xây dựng vào từng giai đoạn lịch sử ấy là minh chứng cho nét đẹp giao thoa văn hóa theo thời gian.
Giai đoạn 1: Giai đoạn áp đặt hay còn gọi là giai đoạn các đô đốc vào thập niên 80, 90 cuối thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20. Người Pháp mang nguyên bản phong cách châu Âu xây dựng công trình thiết kế Đông Dương. Các công trình mang tính chất phòng thủ, thiên hướng quân sự thể hiện tính áp chế, có phần phô trương quyền lực và sự giàu có của chủ nghĩa thực dân.
Lịch sử hình thành phong cách Đông Dương (Indochine Style)
Giai đoạn 2: Bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 30, 40 thế kỷ 20. Nét kiến trúc của nước ta không còn mang nét cũ mà chạy theo các trào lưu mới như phong cách Art Nouveau, phong cách Art Deco,… Thiết kế chú trọng vào các giải pháp để thích hợp với khí hậu vùng miền và văn hóa thuộc địa. Đường nét thiết kế kiến trúc và thiết kế nội thất phong cách Đông Dương, trang trí giản dị. Hình khối kết hợp địa phương như sắt cong, họa tiết kỷ hà, mỹ thuật Khmer, Chăm, Hoa,… được ưa chuộng.
Phong cách Đông Dương (Indochine Style) ở Giai đoạn 2
Giai đoạn 3: Phong cách sau những năm 1930 nhìn chung nghiêng về phong cách Indochine hiện đại bắt kịp xu hướng thế giới. Đường lối chủ yếu được sử dụng bê tông cốt thép nhiều, hình khối vuông vức, trang trí đơn giản. Thời điểm này phong cách kiến trúc Indochine dần hiện đại hơn. Tuy nhiên qua các giai đoạn, phong cách Đông Dương vẫn giữ được nguyên bản giá trị bản sắc Việt.
Phong cách Đông Dương (Indochine Style) ở Giai đoạn 3
Đặc điểm của thiết kế nội thất phong cách Indochine
Theo thời gian, sự giao thoa bởi nhiều nền văn hóa khác nhau đã hình thành nên một phong cách Indochine rất riêng, rất sang trọng nhưng không xa lạ với xu hướng của thế giới. Cốt cách phong cách Indochine Style vẫn giữ nguyên bản như buổi đầu phát triển qua từng chất liệu địa phương, những màu sắc nhiệt đới phối hợp hoa văn, hoa tiết bản sắc Việt Nam,…
Vật liệu thuần Việt
Thiết kế nội thất phong cách Đông Dương tạo những cảm xúc gần gũi, dễ chịu với những chất liệu thiên nhiên. Những vật liệu địa phương đó là bản sắc văn hóa, là cái “hồn” của dân tộc và đề cao giá trị cộng đồng. Một số vật liệu phù hợp với khí hậu nhiệt đới tiêu biểu như tre, nứa, mây, gỗ, gạch,…
Thiết kế nội thất phong cách Đông Dương sử dụng những vật liệu địa phương, thuần Việt
Vật liệu gỗ
Gỗ tự nhiên hầu như xuất hiện dày đặc trong các không gian Indochine Style. Những khung kết cấu và console của mái nhà, hệ cửa, khung trần nhà, đồ nội thất, vật dụng trang trí, chạm khắc phù điêu, tượng tròn,… đều từ chất liệu gỗ. Gỗ mang vẻ đẹp tự nhiên và dân dã. Ngoài ra, gỗ có tuổi thọ cao, khả năng chịu nhiệt, chịu lực tốt phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Vật liệu cói, mây, tre, nứa
Những vật dụng trang trí nội thất của phong cách Indochine như vật liệu tre nứa, vật liệu mây tre tạo vẻ đẹp thu hút hoài cổ cho không gian nội thất. Những vật liệu địa phương này có độ bền cao, còn làm mềm không gian sống, tạo cảm giác thanh tao, hài hòa cùng thiên nhiên. Các sản phẩm nội thất Đông Dương từ mây tre trúc được làm thủ công như ghế tựa, sofa, bình phong, mành và cả giỏ đựng đồ.
Vật liệu kim loại, sắt cong
Thời đại ngày càng phát triển, các căn hộ, biệt thự nội thất Đông Dương cách tân có thể linh hoạt phối hợp thêm vật liệu thép, sắt, kim loại khác,… Những món vật dụng nội thất phong cách Đông Dương trở nên sang trọng nhờ vào các chi tiết viền kim loại mạ vàng.
Vật liệu gạch bông, gạch nung
Thêm một loại chất liệu hiện diện xuyên suốt trong những căn hộ, nhà phố, biệt thự trong phong cách Indochine, đó là chất liệu gạch bông và chất liệu gạch nung. Vào buổi đầu Pháp thuộc, toàn bộ gạch bông được sử dụng nhập khẩu từ nước thực dân (nước Pháp) sang. Sau đó, công nghệ sản xuất ở Việt Nam bắt đầu phát triển, nước ta đã tự sản xuất gạch.
Vật liệu ngói
Những công trình nhà mái ngói đỏ là biểu tượng đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Mái ngói đỏ thường mang đến cảm giác thân thuộc và thiện cảm mỗi khi nhìn ngắm. Ngói lợp nhà được làm từ đất nung nên có màu đỏ sẫm truyền thống của đất sét đất nung và nó được ưa chuộng với khả năng chống rêu và ẩm mốc vô cùng tốt. Ngày nay, mái ngói có rất nhiều màu đa dạng phù hợp thẩm mỹ từng ngôi nhà phong cách Indochine.
Màu sắc nhiệt đới
Thiết kế nội thất phong cách Đông Dương nói không với sự nhàm chán vì bảng màu nhiệt đới mang đến nhiều giá trị mới mẻ. Bản giao hưởng giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông tạo ra phong cách Indochine đầy màu sắc.
Trong đó, một số màu sắc chủ đạo trong thiết kế nội thất Indochine có hơi hướng hoài cổ, có bản chất nhiệt đới và các màu hiện đại. Màu đỏ sẫm và màu vàng thường được sử dụng ở các công trình cổ như Phố cổ Hội An, các công trình công cộng ở Hà Nội và Sài Gòn. Sở dĩ, hai gam màu đậm chất Indochine là điểm nhấn bản sắc văn hóa vùng miền của phương Đông.
Ngày nay, màu sắc phong cách nội thất Đông Dương hiện đại hơn. Gam màu giúp cho không gian nội thất trở nên nhẹ nhàng hơn. Một số tông màu sáng như màu kem, màu trắng, vàng nhạt tạo cảm giác mát mẻ phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam nên được thịnh hành.
Đặc điểm nhà phong cách Đông Dương sử dụng màu sắc ấm nóng, nhiệt đới
Hoa văn họa tiết truyền thống
Với tình yêu dành cho văn hóa truyền thống của phong cách thiết kế Indochine, các hoa văn họa tiết dân tộc như khắc họa đôi nét về cuộc sống của người Việt. Vì vậy, mỗi hoa văn, họa tiết phong cách Indochine như có hồn, lung linh sống động. Một số họa tiết ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc đầy tính duy mỹ như hình kỷ hà, hình chữ nhật, hoa lá cách điệu, họa tiết tĩnh vật,…
Họa tiết hình kỷ hà
Họa tiết kỷ hà được chia ra thành ba nhóm: họa tiết mắc lưới, họa tiết vòng tròn và họa tiết hồi văn. Trong thiết kế nội thất, các họa tiết hình kỷ hà này thường được điểm xuyết thêm hoa văn dàn hoa. Chúng thường được sử dụng trong thiết kế các món nội thất Đông Dương tạo nét hoài cổ.
Sự giao thoa bản sắc trong phong cách thiết kế Indochine thể hiện qua hoa văn họa tiết được sử dụng
Họa tiết mắc lưới có mắc lưới lục giác gọi là kim quy, nó giống vảy của con rùa vàng, mắc lưới không đều tựa như các hình đào cách điệu và mắc lưới tam giác hao hao chữ nhân (tiếng hán: 人). Những họa tiết có khi đứng một mình có khi đan xen, xếp chồng thành hình thoi nhỏ, hình sao,… Họa tiết vòng tròn là họa tiết đồng tiền vàng (đồng xu). Họa tiết hoa thị cách điệu từ họa tiết hình tròn
Hoa văn họa tiết cách điệu là nét đặc trưng phong cách Indochine
Họa tiết hình chữ nhật
Phần lớn những hoa văn họa tiết phong cách Indochine đều bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Họa tiết hình chữ nhật đúc kết từ các Hán tự: chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ, chữ Hỷ. Tất cả các chữ này đều ngụ ý mang đến điều may mắn, như ý đến người sở hữu. Các họa tiết được cách điệu đơn giản đan xen đường nét gọn gàng, tinh tế và liền nét.
Họa tiết hình chữ Thọ trong phong cách thiết kế Indochine
Họa tiết hoa lá cách điệu
Giới thực vật cách điệu hóa hay dùng như các họa tiết hoa lá, dây leo, quả đơn giản được sử dụng chạy viền khổ. Một số kiểu họa tiết phong cách Indochine quen thuộc như liên đằng (dàn dây lá hoa sen), lan đằng (dàn dây lá hoa lan). Ngoài ra, còn nhiều mẫu họa tiết hoa lá biểu tượng Tứ Qúy là cây tùng, hoa cúc, cây trúc, hoa sen, cây mai,…
Indochine Style có sự kết hợp tinh tế các họa tiết hoa lá cách điệu lên đồ nội thất gỗ
Họa tiết linh vật
Bộ Tứ Linh với kỳ họa linh thú như Long, Lân, Quy, Phụng là hình dáng của các linh vật có ý nghĩa tốt lành, may mắn. Những linh vật mang đến may mắn trong tâm tưởng của người Việt.
Họa tiết linh vật trong phong cách Indochine có ý nghĩa tốt lành, may mắn
Họa tiết tĩnh vật
Tĩnh vật trong phong cách Indochine là những họa tiết mỹ thuật An Nam xuất hiện ở rất nhiều công trình. Trong thiết kế nội thất phòng thờ, bộ tam sự gồm lư hương, bát nhang và ống nhang đèn là những tĩnh vật không thể thiếu. Hỏa châu hay còn gọi là trái châu cũng được ưa chuộng. Họa tiết có khi kết hợp theo hình hai con rồng thêm, có khi kết hợp với hoa mẫu đơn,…